Nước cứng có thật sự đáng lo ngại
Vấn đề nước bị nhiễm vôi có thực sự đáng lo ngại như nhiều người vẫn nghĩ?
Nước “cứng” là nước có chứa nhiều khoáng chất hòa tan, đặc biệt là canxi (Ca2+) và magiê (Mg2+). Nước cứng được hình thành khi nước di chuyển qua đất và đá, nó giải phóng một lượng nhỏ chất khoáng và giữ chúng ở dạng hòa tan. Canxi và magiê hòa tan trong nước là hai loại khoáng chất phổ biến nhất làm nước “cứng”. Mức độ cứng trở nên lớn hơn khi hàm lượng canxi và magiê gia tăng và có liên quan đến nồng độ cation đa trị hoà tan trong nước.
Độ cứng của nước được xác định qua các chỉ số sau:
0 – 17,1 mg/l: nước bình thường
17,1 – 60 mg/l: nước hơi cứng
60 – 120 mg/l: nước cứng trung bình
120 – 180 mg/l: nước cứng cao
Trên 180 mg/l: nước rất cứng
Khoa học đã chứng minh nước cứng không gây nên các nguy cơ sức khoẻ. Trong thực tế, nó chỉ gây nên các phiền toái do tích tụ khoáng chất trên các thiết bị, đồ đạc và làm giảm hiệu suất chất giặt giũ (xà phòng), hay tẩy rửa.
Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia (National Academy of Sciences) Hoa Kỳ công bố rằng nước uống cứng thường đóng góp một lượng nhỏ vào tổng số nhu cầu canxi và magiê cơ thể. Trong một số trường hợp, nơi canxi và magiê hòa tan rất cao, nước có thể là một đóng góp chính về canxi và magiê đối với người ăn kiêng.
Các kết quả nghiên cứu được hỗ trợ bởi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) còn chỉ ra rằng nước uống giàu chất khoáng cần thiết, đặc biệt là canxi và magiê, giúp bảo vệ sức khoẻ và giảm nguy cơ mắc bệnh tim và đột qụy.